... Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện; Wifi miễn phí tại nhà ga hành khách; Không cứu người bị nạn bị phạt đến 10 triệu đồng… là những chính sách đáng chú ý sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 11-2017.
Các doanh nghiệp cảng hàng không phải bố trí hệ thống wifi miễn phí có chất lượng tại nhà ga hành khách. Ảnh: internet
Từ 1-11: Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi
Từ 1-11, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các hành vi sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; Trưng bày, mua, bán lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem nhãn đúng quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải làm thủ tục cấp giấy phép theo quy định mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 1-11.
(Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11).
Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Từ 1-11, ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện bảo lãnh khi đáp ứng các điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt. Danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua trong thời hạn 5 ngày. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết.
(Thông tư 13/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về bảo lãnh ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 15-11).
Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện
Từ ngày 1-11, kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Đây là nội dung mới quy định tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh thuốc lá.
Thương nhân bán lẻ thuốc lá được mua thuốc lá từ thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.
Bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy định trước đây như: Với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03m2 trở lên…
Wifi miễn phí tại nhà ga hành khách
Các doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách phải bố trí hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách có chất lượng, đảm bảo liên tục truy cập, kết nối. Phải bố trí vị trí niêm yết thông tin đường dây nóng của tất cả các doanh nghiệp hãng hàng không tại cảng hàng không.
Các hãng hàng không phải bố trí nhân viên trợ giúp hành khách chưa làm thủ tục tại khu vực làm thủ tục trước giờ đóng quầy 15 phút (trước đây quy định chỉ 10 phút) và thông tin cho các bộ phận an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan để hỗ trợ hành khách hoàn thiện các thủ tục.
(Thông tư 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không… có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11).
Không cứu người bị nạn bị phạt đến 10 triệu đồng
Hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định cũ chỉ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng). Mức phạt tương tự đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng. Cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
(Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11 quy định).
Cấm để trẻ mặc những loại quần áo dị thường
Cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng để chăm sóc đối tượng, phù hợp với những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng. Phải bảo đảm cho đối tượng được học văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; bảo đảm cho đối tượng chăm sóc tại cơ sở tiếp cận về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng.
Nghiêm cấm đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp; Ngừng chăm sóc y tế cho đối tượng; Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác; đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục; Buộc đối tượng làm những việc quá sức; Ép buộc theo hoặc không theo các tôn giáo.
(Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, có hiệu lực từ ngày 1-11).
Cung cấp thông tin thuê bao
Từ 15-11, doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao đến Cục viễn thông. Đây là yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số 21/2017/TT-BTTTT về cung cấp và sử dụng số liệu viễn thông. Việc cung cấp số liệu được thực hiện định kỳ hàng tháng thông qua đường truyền dẫn kết nối từ doanh nghiệp đến Cục Viễn thông hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của Cục Viễn thông. Đối với các thông tin của giấy tờ tùy thân của người sử dụng thuê bao, giấy chứng nhận pháp nhân của tổ chức sử dụng thuê bao, ảnh chụp người đến giao kết hợp đồng, bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử sẽ được cung cấp bản số hóa qua hệ thống ứng dụng quản lý của mỗi doanh nghiệp.
(Thông tư 21/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về cung cấp và sử dụng số liệu viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11).
Chính sách với thanh niên xung phong
Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế tham gia thanh niên xung phong cơ sở. Trong đó, từ đủ 2 năm trở xuống, mức trợ cấp bằng 2,5 triệu đồng; từ trên 2 năm thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.
Trường hợp thanh niên xung phong có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan nhưng không thể hiện cụ thể thời gian tham gia kháng chiến thì được hưởng 2,5 triệu đồng. Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần trước ngày 20-11 thì thân nhân được hưởng mức trợ cấp 3,6 triệu đồng. Thanh niên xung phong không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa được xét trợ cấp hàng tháng với mức 540.000 đồng/tháng.
(Nghị định 112/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, có hiệu lực từ ngày 20-11).
Trường hợp nhập khẩu hóa chất không cần khai báo
Một số trường hợp nhập khẩu hóa chất được miễn trừ khai báo, như: Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng; Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu; Hóa chất nhập khẩu dưới 10kg/lần nhập khẩu; Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam…
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử người tham gia các khóa luấn luyện định kỳ 2 năm/lần. Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; Khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí công việc; Sau 2 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; Khi hết thời hạn 2 năm từ lần huấn luyện trước.
(Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, có hiệu lực từ ngày 25-11).
Ngoài ra, còn nhiều quy định khác cũng có hiệu lực từ tháng 11-2017 như Quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Áp dụng cơ chế tự chủ tài chính với Cục Viễn thông; Thủ tục bàn giao các công trình điện vốn Nhà nước cho EVN quản lý; Quy chuẩn tàu thủy nội địa vỏ thép chở hóa chất nguy hiểm….
Theo L. Thanh Pháp luật TPHCM